Tài năng, đẳng cấp và văn hóa chiến thắng của Ibra sẽ nâng tầm cho Man United, không ai nghi ngờ điều đó. Nhưng cái tôi khổng lồ và tính cách ngạo mạn của Ibra lại dấy lên những lo ngại về mất đoàn kết trong nội bộ đội bóng. Đặc biệt là khi đội bóng ấy sắp bổ sung Pogba - ngôi sao có phong cách sống giống “bad boy” Balotelli.
Paul Pogba đã tới MU
“Ông ngất ngưởng” Ibra
Ibra là của hiếm của thế giới bóng đá. Đó là con người sẵn sàng lấy ông trời làm cái cớ để tôn vinh bản thân mình. Sau khi rời PSG, anh nói rằng: “Paris đang nhớ tôi lắm bởi từ ngày tôi ra đi thì trời mưa suốt. Trời đang khóc đấy. Hôm nay tôi trở lại thì trời lại hửng nắng”.
Một cá tính gai góc như thế rất có thể sẽ gây bất hòa trong phòng thay đồ của MU. Đó là con người dám cả gan sỗ sàng với Eric Cantona - một biểu tượng sống ở Old Trafford. “Vua Eric” gọi Ibra là “hoàng tử” thành Manchester nhưng anh bác bỏ, anh tự xưng là “Chúa”. Ibra sẵn sàng đạp đổ những tượng đài sừng sững của quá khứ.
Zlatan Ibrahimovic
Cách MU đối đãi đặc biệt với Ibra cũng có thể gây ra những tị hiềm. Anh được miễn đi du đấu Trung Quốc, dù đội tuyển của anh rời EURO sớm nhất. Mới đây, MU đã lấy áo số 9 từ Anthony Martial để trao cho anh.
Theo một vài nguồn tin, Martial không được thông báo, hoặc hỏi ý kiến về quyết định đổi số áo cho đến khi nó xuất hiện trên mặt báo.
Mâu thuẫn thúc đẩy phát triển
Nguy cơ về sự xuất hiện của Ibra (và Pogba một khi vụ chuyển nhượng hoàn tất) sẽ tạo ra một vài mâu thuẫn cho Man United là điều được dự báo. Nhưng đội bóng có mâu thuẫn không hẳn sẽ là đội bóng thất bại. Bayern Munich từng được gán mác “FC Hollywood” bởi những bất hòa nội bộ mà tiêu biểu là giữa Oliver Kahn với Stefan Effenberg. Nhưng “FC Hollywood” vẫn gây khiếp sợ với toàn thế giới bóng đá.
Ở cấp quốc gia, các tuyển thủ Đức cũng không ít lần cãi nhau ỏm tỏi khi đi dự các giải quốc tế. Ballack tranh băng đội trưởng với Philipp Lahm. Kahn gầm gừ Jens Lehmann... Nhưng đừng quên rằng đó là đội tuyển đã 4 lần vô địch thế giới và 3 lần vô địch châu Âu.
Real Madrid đã đoạt 2 Cúp bạc Champions League trong 3 năm (2014-2016), dù luôn tồn tại mâu thuẫn ngấm ngầm giữa 2 ngôi sao lớn nhất. Hay trong giai đoạn mà một số cầu thủ lũng đoạn phòng thay đồ, họ vẫn không chệch khỏi đường ray chiến thắng.
Stefan Effenberg và Oliver Kahn tại Bayern Munich
Các cầu thủ TBN của Real Madrid và Barcelona có thể vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng trong các trận “Siêu kinh điển”, có thể chiến đấu không khoan nhượng, vào bóng quyết liệt hoặc đóng kịch ăn vạ cho đối phương bị truất quyền thi đấu... nhưng mỗi khi tụ họp trên đội tuyển quốc gia, họ biết cách đoàn kết lại để cùng chiến thắng.
Một đội bóng bị tiêu diệt bởi các vấn đề nội bộ có thể chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Ở những đội bóng lớn, các cầu thủ đều là những người chuyên nghiệp và họ biết cách giải quyết các mối quan hệ cá nhân để không ảnh hưởng đến lợi ích tập thể.
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa một vài cá nhân chưa hẳn đã làm đội bóng yếu đi, trừ phi nó mang tính hệ thống như Chelsea của Mourinho.
Mâu thuẫn không hẳn sẽ sản sinh thất bại mà ngược lại, thất bại mới là căn nguyên của mâu thuẫn. Barcelona giai đoạn cuối triều đại Johan Cruyff, hay triều đại Frank Rijkaard đều xuất hiện lục đục bởi đội bóng không còn chiến thắng nữa.
Dưới thế giới quan biện chứng, mâu thuẫn lại là động lực của phát triển. Anthony Martial sẽ gắng phấn đấu để chứng minh anh không hề kém cạnh Ibra. Hay Rashford sẽ chiu chắt từng cơ hội và không ngừng hoàn thiện mình để tìm ca hội đá chính.
Giai đoạn cuối mùa trước, hai ngôi sao trẻ ấy mặc nhiên chiếm suất đá chính nếu không chấn thương. Sự xuất hiện của một kẻ đáng gờm như Ibra sẽ giải phóng cho họ khỏi sức ì và sự tự mãn. Đó là cách tốt nhất giúp họ hoàn thiện mình.
Hãy tin rằng rồi đây báo chí sẽ tha hồ viết về những bất hòa ở Old Trafford, về những “sự cố” có thể kèm theo tên Ibra, Pogba, nhưng MU thì vẫn chiến thắng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét